Tranh thủ xuống giống lúa thu đông
Là một trong những địa phương sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL,ànônglạilophânbónănmònlợinhuậ12 bet tại An Giang hiện phần lớn diện tích lúa hè thu đã thu hoạch xong và bà con chuẩn bị xuống giống vụ thu đông. Ông Nguyễn Thành An (H.Thoại Sơn) cho biết giá lúa cao nên mọi người rất phấn khởi. Nhà ông An làm giống lúa Nhật, dài ngày hơn nên hôm qua (8.9) mới bắt đầu cắt. Giá lúa Nhật chất lượng tốt còn 7.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với thời đỉnh điểm; lúa đổ ngã còn 7.000 - 7.300 đồng/kg. Các giống ĐT, OM vẫn giữ giá khoảng 8.000 đồng/kg nhờ thị trường xuất khẩu thuận lợi. Dù giá lúa thời điểm này giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1.000 đồng/kg.
Thông thường, mọi năm sau khi thu hoạch vụ này xong ông An sẽ bỏ đất trống để đón lũ, cho đất nghỉ ngơi. Ông tính toán vụ thu đông thường chất lượng lúa không cao, giá lại thấp nên không có lãi. Thường chỉ những hộ ít đất mới phải làm để có tiền xoay xở. Tuy nhiên, tranh thủ cơ hội giá lúa gạo năm nay cao, ông An quyết định tiếp tục xuống giống vụ 3. "Vụ sắp tới tôi sẽ làm giống OM vì đầu ra đang tốt và ngắn ngày hơn lúa Nhật. Tuy nhiên cũng có một chút lo lắng khi giá phân bón bắt đầu tăng nhẹ. Vụ vừa rồi, giá phân DAP và kali giảm khoảng 30% còn ure giảm đến 50% giúp bà con giảm chi phí. Tuy nhiên, đầu tháng này nghe các đại lý báo giá bắt đầu nhóm nhẹ 100 - 200 đồng/kg. Chưa biết sắp tới giá sẽ ra sao, sợ giá sẽ tiếp tục tăng ăn mòn lợi nhuận của người nông dân", ông An lo lắng.
Thời điểm này, nhiều nơi ở ĐBSCL, bà con nông dân đang tranh thủ xuống giống vụ thu đông. Theo thống kê của ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ, địa phương đang xuống giống vụ thu đông trên diện tích 57.000 ha. Mục tiêu mà Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra là tăng diện tích lúa thu đông toàn vùng thêm 50.000 ha. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ phân bón đang tăng mạnh. Khảo sát của chúng tôi cho thấy giá phân ure hạt đục nội tăng từ 9.000 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg. Giá DAP tăng từ 13.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây. Giá kali một số loại tăng gần 1.000 đồng/kg.
Ngay cả với những nhà nông đang sở hữu các loại nông sản được giá, được mùa lúc này cũng thấp thỏm. Ông Lê Văn Tân ở xã Nam Yang (H.Đăk Đoa, Gia Lai) cho biết gia đình có hơn 1 ha cà phê. Mấy năm trước giá cà phê thấp mà phân bón lại cao nên làm ra được bao nhiêu cũng chỉ đủ trả tiền phân thuốc. Trung bình một năm bón phân 3 đợt với chi phí từ 20 - 25 triệu đồng. Vụ vừa rồi, cà phê có giá mà phân bón cũng hạ nhiệt nên ông thu lãi hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy tuần gần đây, giá phân bón lại tăng khiến ông Tân và nhiều bà con trồng cà phê cảm thấy khá áp lực.
Ông Trần Văn Xuân, một nhà vườn trồng xoài ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), chia sẻ: Năm nay xoài trúng mùa nhưng thị trường không thuận lợi nên giá thấp. May mắn là từ đầu năm đến nay giá phân bón giảm mạnh so với năm ngoái nên nhà vườn vẫn duy trì được lợi nhuận. "Hiện tại vườn xoài mới thu hoạch xong, đang vào đợt chăm sóc đặc biệt cắt tỉa cành nhánh, vô phân thuốc. Nhưng mới đây, các đại lý thông báo giá tăng nhẹ 200 - 300 đồng/kg, đặc biệt là ure tăng mạnh. Tôi nhẩm tính thì đợt này so với vụ trước phải tốn thêm khoảng 2 triệu đồng tiền mua phân bón, phân mà tăng thì ăn hết cả lợi nhuận", ông Xuân than thở.
Phân bón rục rịch tăng giá
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất và kinh doanh phân bón Bình Điền 2, xác nhận: Cuối tháng 8, giá phân bón các loại đã tăng 200 - 300 đồng/kg. Tăng nhiều nhất là ure, kế đó là DAP, còn phân NPK tăng nhẹ theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Cụ thể như Trung Quốc đang vào vụ sản xuất chính nên tạm ngưng xuất khẩu phân ure, bên cạnh đó là nhu cầu gia tăng từ Ấn Độ. Thị trường toàn cầu đang thiếu cung do nhiều nước hạn chế xuất khẩu nên giá tăng. "Tôi cho rằng trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn còn nhiều biến động nhưng xu hướng chung có thể vẫn còn tăng nhẹ theo giá thế giới", ông Phong nói.
Ông Phong khuyến cáo để ứng phó giá phân bón biến động theo hướng bất lợi, bà con nông dân nên áp dụng các mô hình canh tác thông minh và sử dụng các loại phân bón thế hệ mới phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng thì chi phí sẽ giảm mạnh. Bên cạnh đó còn giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính theo các tiêu chuẩn xanh hiện đại.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón, sau chuỗi giảm giá kéo dài từ nửa cuối năm 2022 thì đến đầu tháng 7, giá phân bón bắt đầu tăng theo giá lương thực toàn cầu. Nguyên nhân là do các quốc gia lo ngại El Nino ảnh hưởng nguồn cung nên đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất phân bón ở một số nước sản xuất lớn như Malaysia, Brunei và Indonesia gặp trục trặc, vắng bóng sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Điều này đẩy giá ure Trung Đông và Trung Quốc từ 280 USD/tấn FOB vào giữa tháng 6 tăng vọt lên 430 USD/tấn FOB vào cuối tháng 7. Giá DAP Trung Quốc vào giữa tháng 7 có giá 430 USD/tấn FOB thì đầu tháng 8 đã có giá 550 USD/tấn FOB. Giá kali cũng bắt đầu tăng 20 - 50 USD/tấn tùy loại.
Tại VN, các nhà máy ure từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 đều có thông báo điều chỉnh giá. Cụ thể, Nhà máy đạm Cà Mau thông báo giá lệnh mới ra hàng ure tại nhà máy lên mức 10.000 đồng/kg, kho trung chuyển Tây Nam bộ lên 10.100 đồng/kg, kho trung chuyển miền Trung và miền Bắc lên 10.150 đồng/kg. Nhà máy đạm Phú Mỹ ngày 1.8 thông báo giá lệnh mới ra hàng ure, trong đó giá ure Phú Mỹ tại kho trung chuyển Tây Nam bộ và miền Trung tăng 700 đồng/kg lên mức 9.900 đồng/kg; tại kho trung chuyển miền Bắc tăng lên mức 9.800 đồng/kg. Tương tự cũng từ 1.8, Nhà máy đạm Ninh Bình thông báo giá tăng 300 đồng/kg lên thành 9.000 đồng/kg.
Một năm được mùa được giá và có lợi nhuận tốt của nhà nông đang phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát giá phân bón trong thời gian tới.
Các chuyên gia dự báo dù nhu cầu nội địa tăng khi một số ngành như lúa gạo, sầu riêng, cà phê… đẩy mạnh sản xuất nhưng giá phân bón sẽ không tăng quá cao như những năm trước vì mùa vụ ở nhiều nước khác trên thế giới kết thúc, nên nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu giảm. Điều này có thể dự báo giá phân bón nội địa sẽ không tăng quá cao trong những tháng còn lại của năm 2023.